Đánh Triệu báo thù Điền_Bố

Năm 820, Tiết độ sứ Thành Đức[9] Vương Thừa Tông qua đời. Quân trung ủng hộ người em là Vương Thừa Nguyên kế nhiệm, song Vương Thừa Nguyên lại từ chối và dâng biểu lên triều đình xin giao lại trấn. Vua Mục Tông chuyển Thừa Nguyên làm Tiết độ sứ Nghĩa Thành[10], chuyển Điền Hoằng Chánh đến làm Tiết độ sứ Thành Đức, Tiết độ sứ Bân Ninh[11] Lý Tố tiếp quản trấn Ngụy Bác. Điền Bố trong dịp này được thụ phong Tiết độ sứ Hà Dương[1][12]. Ông cùng cha nhận tiết mao trong cùng một ngày. Mùa xuân năm 821, ông được dời làm Tiết độ sứ Kinh Nguyên[13].

Mùa thu năm 821, Vương Đình Thấu cầm đầu loạn binh Trấn châu nổi dậy giết Điền Hoằng Chánh. Lý Tố ở Ngụy Bác nghe tin rất tức giận và chuẩn bị đem quân thảo phạt Vương Đình Thấu, tuy nhiên lại nhanh chóng lâm bệnh rồi mất. Vua Mục Tông nhớ lại Điền Bố là con cháu của Điền thị, nên quyết định phong cho ông làm Tiết độ sứ Ngụy Bác, Kiểm giáo công bộ thượng thư. Điền Bố từ chối nhiều lần, song do bị thúc ép mãi nên nhận lời. Ông từ biệt vợ con, gia khách của mình đến Ngụy châu và nói rằng mình sẽ không trở lại.

Khi đến Ngụy châu, Điền Bố tìm cách che giấu thân phận của mình bằng cách không mang quân sĩ hộ vệ. Khi còn cách Ngụy châu 30 lý, Điền Bố thay đồ tang, khóc mà đi vào thành. Tiền lương bổng mỗi tháng 100 vạn ông không giữ lấy một đồng nào, rồi lại bán gia sản của mình, gộp hết thành tiền ban cho quân sĩ; coi họ như huynh đệ[14]. Lại bổ dụng Sử Hiến Thành làm Tiên phong binh mã sử, ủy tác quân lính tinh nhuệ cho. Tiếp đến ông hợp quân với nhà Đường công đánh Thành Đức.

Mùa đông năm 821, Điền Bố đem 30000 quân đóng lũy ở phía nam huyện Nam Cung[3] để thảo phạt Vương Đình Thấu. Tháng 12 năm đó, ông chính thức tấn công và chiếm được hai sách ở vùng Nam Cung. Lúc đó ở U châu[15], Chu Khắc Dung bắt giam tiết độ sứ Trương Hoằng Tĩnh, liên quân với Trấn châu cùng làm loạn. Sử Hiến Thành cũng bí mật hợp tác với họ và nảy sinh ý đồ khác.

Lúc này quân Ngụy Bác lâm vào tình thế khó khăn. Theo bản tấu của Bạch Cư Dị gửi lên hoàng đế nhà Đường, quân sĩ Ngụy Bác trước kia từ thời Điền Hoằng Chánh đã quen với việc được triều đình hậu đãi, đến nay lại phải chiến đấu mệt nhọc, lời ta thán bắt đầu nổi lên. Cộng thêm khi đó là mùa đông, bão tuyết hoành hành, lương thực nuôi quân không vận chuyển tới được, nên Điền Bố phải cho thu gom lương thực từ sáu châu Ngụy Bác, điều này khiến quân sĩ bất bình. Sử Hiến Thành chớp lấy cơ hội, kích động quân sĩ nổi lên phản đối. Mùa xuân năm 822, có chiếu để Điền Bố dẫn lực lượng của mình đến trại tiết độ sứ Trung Vũ[16] để tấn công Trấn châu từ phía đông, phần lớn binh sĩ đã bỏ trốn khỏi trại và đến chỗ Sử Hiến Thành. Điền Bố khi đó chỉ còn trong tay 8000 quân và buộc phải quay trở về Ngụy châu[14].